Thứ sáu, 19/04/2024 - 18:51|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Vĩnh Trường

Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang, tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai hướng dẫn hoạt động dạy và học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chiều ngày 25 tháng 3 năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai hướng dẫn hoạt động dạy và học cấp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hội nghị do ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở chủ trì, tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm Viettel An Giang còn có đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở, chuyên viên phòng giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên. Lãnh đạo và chuyên viên phụ trách cấp THCS thuộc phòng GDĐT, Hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn các trường THPT, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục có học sinh hệ giáo dục thường xuyên tham dự tại điểm cầu Viettel các huyện, thị, thành phố.

57ace81d98ca63943adb.jpg

Thay mặt phòng chuyên môn của Sở, ông Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng phòng giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên báo cáo tóm tắt tình hình hướng dẫn thực hiện hoạt động chuyên môn dạy và học đối với cấp THCS, THPT trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, trong thời gian học sinh nghỉ học, kể từ sau tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 đến nay, Sở GDĐT đã ban hành khá kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến hoạt động dạy và học; tuy nhiên nội dung chủ yếu là ôn tập để củng cố kiến thức với hình thức dạy học trực tuyến trên internet và dạy học qua truyền hình.

 

Song song đó, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị trường học chủ động hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học bằng cách tổ chức biên soạn lại kế hoạch, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục (học kỳ 2 - năm học 2019-2020) theo hướng điều chỉnh, tinh giản nội dung, có thể xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề, tăng thời lượng ôn tập và luyện tập, bám sát mục tiêu môn học, không cắt xén nội dung tùy tiện, thiếu khoa học, đảm bảo yêu cầu cần đạt của chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình các cấp học hiện hành. Đến nay, Sở GDĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về việc điều chỉnh (lần 1) Khung thời gian của học kỳ 2, năm học 2019-2020. 

Đánh giá những khó khăn, vướng mắc: Về dạy học trên internet, học sinh còn chưa quen với việc tham gia học trực tuyến, đặc biệt các em ở  khu vực nông thôn chưa có đủ điều kiện về mạng internet và các thiết bị điện tử đầu cuối để học qua mạng. Một bộ phận giáo viên còn lúng túng, đặc biệt giáo viên có hạn chế về công nghệ thông tin. Về dạy học trên truyền hình, khác với dạy học trên lớp, dạy học trên truyền hình không có đối tượng học sinh để tương tác, giáo viên chỉ sử dụng phương pháp truyền thụ một chiều, đòi hỏi người dạy phải nói liên tục, mặc dù giáo viên được chọn tham gia có năng lực chuyên môn tốt, song rơi vào trạng thái “độc thoại” thì không tránh khỏi một số sai sót không mong muốn trong cách diễn đạt, dùng từ, phát âm. Học trên truyền hình chỉ đạt yêu cầu trong trường hợp học sinh có tinh thần tự học tốt, tự làm các bài tập phù hợp với nội dung đã được ôn tập. Hạn chế ở chỗ, bản thân các em chưa được ràng buộc bởi việc giao nhiệm vụ học tập cụ thể, hoặc là khi giáo viên dạy giao nhiệm vụ thì cần có sự tham gia phối hợp theo dõi của giáo viên bộ môn tại các trường để kiểm tra, đánh giá sản phẩm học tập của các em, có như vậy mới mong đạt được hiệu quả cao.

Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, có nhiều ý kiến góp ý, song tập trung chủ yếu vào những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: học sinh ở vùng nông thôn gặp khó về điều kiện, thiết bị học qua internet; tương tác giữa giáo viên và học sinh còn khó khăn do hạn chế về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin; ý thức học tập của một bộ phận học sinh chưa cao; số lượng học sinh tham gia học tập không nhiều do chưa có sự ràng buộc;  giáo viên chưa mạnh dạn tinh giản nội dung do lo lắng không phù hợp với điều chỉnh chương trình chung của tỉnh; công tác truyền thông về dạy học trực tuyến cần phải được đẩy mạnh trên cơ sở phối hợp tốt giữa ngành giáo dục và các địa phương; một số bất cập về kiểm tra đánh giá qua dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình; một số cơ sở trường học hiện đang sử dụng để làm khu cách ly ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường; Công tác phối hợp với gia đình để quản lý học sinh trong dạy học trực tuyến còn nhiều khó khăn; hiện tại ở một số địa phương, học sinh tranh thủ thời gian nghỉ học để tham gia lao động kiếm thêm thu nhập...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở chia sẻ với những khó khăn mà các nhà trường và địa phương gặp phải trong chỉ đạo và điều hành hoạt động dạy học trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị các nhà trường cần linh hoạt, tìm giải pháp để khắc phục khó khăn; theo đó ông chỉ đạo:

Thống nhất việc dạy học trên mạng internet và trên truyền hình là giải pháp tình thế bắt buộc trong tình hình hiện nay. Yêu cầu học sinh phải học, không chỉ trong tỉnh mà là phạm vi của cả nước. Khó khăn là có, song phải triển khai thực hiện, vừa làm vừa tìm cách tháo gỡ, chung sức, chung lòng sẽ giải quyết được mục tiêu. Thống nhất việc dạy kiến thức mới trong dạy trực tuyến và dạy trên tuyền hình. Về dạy học trực tuyến, do nhà trường chủ trì, hướng dẫn giáo viên và phê duyệt nội dung, chương trình trước khi triển khai thực hiện. Tùy theo điều kiện của từng trường mà lựa chọn phương án dạy học sao cho phù hợp, lưu ý có sự điều phối của lãnh đạo nhà trường, lịch học đảm bảo vừa sức đối với học sinh và giáo viên. Giáo viên bộ môn có trách nhiệm thực hiện đúng theo kế hoạch của nhà trường, nhà trường hướng dẫn giáo viên chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nội dung bài học và phối hợp với giáo viên chủ nhiệm thông tin đến học sinh trước khi giảng dạy. Về dạy học trên truyền hình, vai trò chủ trì là của Sở, bài dạy và lịch cụ thể phải được gửi thông báo đến học sinh. Giáo viên bộ môn nghiên cứu bài dạy trên truyền hình để phối hợp giao nhiệm vụ học tập cho học sinh, đề ra nội dung kiểm tra đánh giá, giáo viên bộ môn theo dõi chấm bài lấy điểm kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, dạy học trên truyền hình chỉ tập trung vào hai khối 9 và 12. Những hạn chế có thể gặp phải như bài dạy học sinh đã được học rồi do các trường chủ động về chương trình từ trước, bài nào học rồi thì xem như ôn tập lại. Sau này, khi học sinh đi học trở lại, nhà trường thực hiện chương trình theo hướng kế thừa. Cần thông báo đến cha mẹ học sinh hoạt động dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình, để phối hợp với gia đình theo dõi, quản lý chặt chẽ quá trình học tập của các em mới mong đạt hiệu quả.

Về kiểm tra đánh giá, trong dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình, các trường cần lưu ý giáo viên đánh giá kết quả học tập theo hướng động viên, thay thế bài kiểm tra thường xuyên bằng sản phẩm, kết quả học tập mà giáo viên giao cho học sinh. Chỉ kiểm tra đánh giá thường xuyên trong lúc học trực tuyến và đi học lại sẽ kiểm tra định kỳ, nhưng không tập trung quá nhiều sẽ gây quá tải. Sau khi đi học trở lại, nhà trường cần chỉ đạo giáo viên rà soát, xem xét mức độ tiếp thu của học sinh qua hình thức học trực tuyến và học trên truyền hình để dành thời gian bổ sung thêm nội dung kiến thức; trường hợp học sinh không tham gia học tập tại nhà trong thời gian nghỉ, thì nhà trường cố gắng dành thời gian tìm cách phụ đạo.

Về thực hiện chương trình, trước mắt giao cho nhà trường chủ động nối tiếp chương trình tự chủ mà các trường đã thực hiện từ trước đến nay. Ông cũng thông tin, Bộ GDĐT đang biên soạn điều chỉnh chương trình các môn học và hoạt động giáo dục từ Tiểu học đến THPT, khi hoàn thành, các trường nghiên cứu triển khai thực hiện; trong khi chờ chương trình của Bộ, trước mắt đề nghị các trường cần chủ động; riêng đối với chương trình lớp 12 nên bám sát chương trình của Bộ vì là khối thi. Hiện nay, Sở huy động Hội đồng bộ môn cấp tỉnh xây dựng và hiện đang tổ chức lấy ý kiến chương trình cấp THCS, khi nào ban hành các đơn vị có tham khảo áp dụng nếu thấy phù hợp. Về chương trình cấp THPT, Sở cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện điều chỉnh.

Về các vấn đề khác, ông Trần Tuấn Khanh đề nghị các nhà trường cần lưu ý: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch Covid-19. Một số nơi, trường THPT được chọn làm địa điểm cách ly thì Hiệu trưởng nên báo cáo với lãnh đạo Sở để phối hợp bàn phương án tính toán. Lưu ý việc phân công giáo viên trực trường, đảm bảo nguyên tắc không nên tập trung quá đông người; sắp tới tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh phải tham gia khai báo y tế bắt buộc; nhà trường động viên toàn thể cán bộ, công chức và viên chức hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ một ngày lương phòng chống dịch Covid-19 theo vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; lưu ý nhà trường nhắc nhở giáo viên tránh bình luận trái chiều trên facebook, đặc biệt thông tin không chính thống trên mạng internet về dịch Covid-19; tăng cường khai thác sử dụng hiệu quả trang web hiện có của nhà trường, đặc biệt phục vụ cho công tác tuyên truyền phòng chống dịch và hoạt động thông tin, dạy học của nhà trường./.

Lượt xem: 105.011
Tác giả: An Khương
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3
Hôm qua : 1
Tháng 04 : 30
Năm 2024 : 177